Đọc "Phố cổ đêm chiến tranh", tập truyện ký của Hà Minh Đức, Nxb. Hội Nhà văn, 2023

Đồng hiện những ký ức chiến tranh bi hùng và nhân hậu

VHO- Hà Minh Đức là giáo sư giảng dạy đại học, là nhà lý luận phê bình văn học nổi tiếng. Những công trình nghiên cứu, lý luận và phê bình của ông được độc giả cả nước trân trọng tiếp nhận, đánh giá cao và vận dụng vào công việc nghiên cứu văn học có hiệu quả. Bên cạnh đó, ông còn dành thời gian cho sáng tác - lĩnh vực mà ông đam mê và tâm huyết từ thời trai trẻ, nhưng chưa có cơ hội thể hiện vì phải dốc sức vào những công việc chính yếu và trọng đại khác: Giảng dạy và Nghiên cứu khoa học. Dầu vậy, trong suốt hành trình sống và công tác của mình, ông vẫn không quên quan sát, tiếp nhận và ghi chép hiện thực cuộc sống và con người mà ông chứng kiến, yêu thích, gắn bó để giờ đây, khi tuổi cao, sức yếu, ông tái hiện chúng thành những trang văn và trang thơ thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước và các quan hệ nhân sinh đời thường nhân hậu một cách chân thành và xúc động.

Đến nay, ông đã xuất bản 13 tập bút ký và 13 tập thơ phản ánh muôn mặt cuộc sống đời tư - thế sự mà ông trải nghiệm và nhập cuộc nồng nhiệt thông qua cái tôi công dân, cái tôi văn hoá và cái tôi trữ tình đa sắc thái, đa cung bậc; từ đó, ông thông điệp tình yêu, sự sống và những quan hệ nhân sinh khác đến mọi người để cùng đồng cảm, sẻ chia. Kết quả cuả những trang viết ấy, ông thật sự là mình: yêu thương và gắn bó thân thiết với cõi người bao dung, nhân hậu.

Tôi muốn đồng cảm và sẻ chia tình yêu thương nồng ấm nói trên qua tác phẩm ký mới nhất của Hà Minh Đức: "Phố cổ đêm chiến tranh", do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2023. Mười hai truyện ký trong tập là mười hai hiện thực đời sống và lát cắt tâm trạng mà Hà Minh Đức với tư cách là cái tôi nhân chứng, cái tôi chiêm cảm đã tái hiện cụ thể và đa dạng không khí thời chiến cuả phố cổ Hà Nội những năm bi tráng, anh dũng nhưng cũng rất đời thường, tin yêu và đa diện như cuộc sống vốn thế và cần phải như thế để chiến đấu và chiến thắng! 

Để tái hiện không khí Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, Hà Minh Đức đã lấy hiện thực của phố cổ làm nền cảnh chung như ông tâm sự trong Lời nói đầu tác phẩm: “Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Phố cổ mang đặc điểm riêng của nơi "đô thị xưa cũ" chuyên buôn bán và làm nghề. Không có nhà máy, xí nghiệp lớn, không có cơ quan cao cấp của nhà nước mà chỉ là đất ở, đất buôn bán của dân thường nên những năm thiếu điện, phố cổ như đêm đen dày đặc, dân vẫn sinh sống làm ăn vượt lên những khó khăn. Tác giả không phải là người Hà Nội nhưng do duyên phận đã cùng gia đình sống ở phố cổ trong mấy chục năm kể cả những năm chiến tranh. Những chuyện có thực được chứng kiến pha lẫn đôi chút tưởng tượng và thấp thoáng có hình bóng tác giả như nhân chứng cho những chuyện xa lạ mà gần gũi với cuộc sống chung. Kính mong những trang viết nói được một điều gì, tiếng nói của con chữ chân thực và gần gũi” (Từ đây, những trích dẫn từ tập Phố cổ đêm chiến tranh của Hà Minh Đức, chúng tôi chỉ ghi số trang).

Mở đầu là bút ký "Phố cổ Hà Nội", tác giả muốn khái quát về nền cảnh chung cho toàn tác phẩm để thấy đặc trưng riêng của một phố cổ có cội nguồn lịch sử và hiện thực tích hợp nên vùng địa - văn hoá đặc biệt, hình thành tính cách và tâm hồn con người Hà Nội nghìn năm văn vật: “Phố cổ hình thành từ đời Lý đời Trần, các làng xung quanh vùng đồng bằng Bắc bộ tụ tập sinh sống quanh kinh thành và hình thành khu phố cổ. Phố cổ đông đúc nhất dân cư của kinh thành. Đến đời Lê, người Hoa nhập cư sinh sống và hình thành một số khu phố người Hoa. Cho đến nay, Hoa kiều ở miền Bắc tập trung đông nhất ở khu phố cổ Hà Nội trong các phố Tàu. Đến thời Pháp, người Ấn, người Pháp cũng buôn bán ở khu phố cổ ta. Ở các khu phố nhà cửa khang trang. Người Ấn nổi tiếng về buôn bán vải. Phố cổ chiếm một vùng đất rộng 100 hecta có những giới hạn với các vùng đất khác của kinh thành. Đặc điểm của phố cổ Việt Nam tập trung vào các nghề buôn bán sản xuất” [tr.7-8]. Tác giả còn liên hệ đến sự kiện trọng đại gắn với không gian đặc trưng này. Ở đây, có: “Ngôi nhà tiêu biểu nhất ở phố Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô tặng lại cho nhà nước và cũng chính là nơi cụ Hồ Chí Minh ở trong những ngày tháng Tám, nơi cụ thảo và viết "Tuyên ngôn độc lập" đọc ở quảng trường Ba Đình ngày 2/9. Ngôi nhà bảo tàng kiên cố rộng rãi. Thời kỳ đó nhà Hà Nội thường không có thang máy, khách tham quan phải leo bộ. Nhà 40 Hàng Ngang, nơi họp của Bộ Chính trị trong những ngày tháng Tám do Hồ Chủ tịch chủ trì có các vị Trường Chính, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, nhà hiện nay là một bảo tàng nằm giữa 36 phố phường. Ba mươi sáu phố phường là con số ổn định, không tăng thêm mà cũng không bớt đi một phố phường nào” [tr.8]. Liên hệ thời hiện tại, Hà Minh Đức còn trình hiện lại cuộc chiến đấu giáp lá cà quyết liệt của của các chiến sĩ Hà Nội liên khu I với quân Pháp tại chợ Đồng Xuân để bảo vệ từng tấc đất thủ đô. Phố cổ đêm chiến tranh vì thế mà thiêng liêng, cao đẹp và sâu nặng tình người. Miêu tả như vậy là rất chân thật, vừa khái quát vừa chi tiết theo đặc trưng thể loại ký, giúp người đọc hôm nay hiểu thêm và yêu thêm con người và phố cổ Hà Nội một thời chiếnn tranh ác liệt thời qua vãng chưa xa vắng.

Cùng đề tài đêm phố cổ, Hà Minh Đức còn tái hiện cụ thể những gì mình từng mắt thấy, tai nghe để đồng hiện tầm vóc con người Hà Nội và vẻ đẹp bi tráng của thủ đô vang vọng mãi cho đến ngày hôm nay. Các ký sự Phố cổ đêm đen, Hồ Gươm đêm giao thừa, Chuyến tàu đêm đưa ai về Hà Nội, Ngôi nhà không bình yên... đều nằm trong mạch tình cảm và tâm trạng của một chứng nhân trực tiếp để đồng hiện ký ức một thời không thể nào quên về một phố cổ kiên trung trong những năm chiến đấu chống Mỹ ác liệt nhưng anh dũng và quả cảm. Hiện thực Hà Nội sau chiến tranh chống Pháp lại hiện lên tươi đẹp, nhưng không được bao lâu thì chiến tranh do Mỹ phát động ập đến, Hà Nội lại chìm trong màu đêm đen thẳm: “Đêm đen từ đầu phố đến cuối phố, từ ngoài nhà đến trong nhà, nhà nào cũng thường có ngọn đèn dầu để ở góc nhà, trời nóng bức thì tràn ra ngoài vỉa hè, trẻ con đi sơ tán hết chỉ còn người già lúc ở lúc đi, khi ở nhà pha ấm trà ngồi thưởng thức” (Phố cổ đêm đen) [tr.33]. Ai sơ tán cứ sơ tán, ai ở lại cứ yên lòng ở lại quyết bảo vệ thủ đô. Những chuyến tàu đêm vẫn thường xuyên mang những con người sơ tán về thăm Hà Nội vào những đêm đen thẳm. Hà Minh Đức tái hiện không khí trên thật xúc động, giúp người đọc hình dung Hà Nội từ con người đến cảnh vật một cách cụ thể, hào hùng. Có thể xem đây là những bức tranh bằng ngôn ngữ về phố đêm Hà Nội từ nhiều góc nhìn và nhiều điểm rơi nổi bật. 

Ký càng cụ thể và chi tiết thì càng chân thật và thu hút người đọc. Hà Nội thời chiến được tác giả liên hệ trực tiếp và gián tiếp qua những tâm sự và đối thoại giữa đôi bạn thân Nam và Huyền trên chuyến tàu đêm về Hà Nội. Trong không khí căng thẳng, địch bắn phá và những hồi còi báo động rất bất ngờ, nhưng đôi bạn vẫn bình tĩnh kể chuyện đời thường gắn bó với Hà Nội dấu yêu, khiến chúng ta thấy sự bình tĩnh và tự tin của con người Hà thành trữ tình, kiên nghị. Huyền kể về các món ăn yêu thích của tuổi trẻ và phụ nữ, nhất là các món ô mai rất tự nhiên, kích thích vị giác hấp dẫn: “Hàng Ngang rồi lên Hàng Đường, đây là kho dự trữ của các loại bánh ngọt, các loại ô mai: ô mai mơ, ô mai mận, ô mai khế, ô mai cam thảo, mô mai mặn; các loại bánh ngọt, bánh đậu xanh, bánh dẻo, bánh trung thu cho đủ các mùa. Chợ Đồng Xuân thỏa mãn nhu cầu các bà các chị về các loại thịt quay: thịt lợn quay, gà vịt quay; các loại bún: bún chả, bún thang, các loại phở” (Chuyến tàu đêm đưa ai về Hà Nội) [tr.29]. Ký Hà Minh Đức chú trong chi tiết đời thường chân thật, rất phù hợp với không khí “dĩ bất biến ứng vạn biến” của con người Hà Nội vừa sinh hoạt vừa sẵn sàng chiến đấu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. 

Bút ký Hồ Gươm đêm giao thừa cũng chân thật về sự kiện và những kỷ niệm khó quên trong đêm giao thừa đón năm mới được Hà Minh Đức ghi lại rất chi tiết và sinh động: “Đường phố sáng rực ánh đèn, pháo nổ vang trời, Hồ Gươm thay áo mới. Xung quanh Hồ người đi nườm nượp một vòng lại thêm một vòng. Dưới hồ, thuyền to lắp thêm ván gỗ, chương trình sân khấu nhỏ có ban ca nhạc ca hát và đi lượn quanh hồ… Nhiều người rủ nhau đi hái lộc, loa kêu gọi mọi người đừng hái lộc bẻ cây xanh, phải bảo vệ cây cối đang vun trồng… Phố cổ có một đêm như thế, ngày mai mọi người chúc tết nhau, dư âm của cuộc vui còn kéo dài một vài ngày và lúc trở về với phố cổ đêm chiến tranh chìm trong bóng tối vững vàng tay súng sẵn sàng trong nhiệm vụ. Đón giao thừa ở Hồ Gươm là niềm vui chung của thành phố, đặc biệt với phố cổ…” [tr37-40]. 

Biết bao không khí sinh hoạt đời thường hiện ra trong tâm thế chủ động cảnh giác, chiến đấu và tự tin của những con người bình thường trong từng khu phố, mà ở đó “việc cần là cứ làm, việc cần đi cứ đi” hiện lên linh động, gần gũi và trữ tình trong ký sự Người đẹp phố cổ lo chuyện tương lai. Những chàng trai và cô gái đẹp yêu nhau, luyến nhau, nhưng không bao giờ quên nhiệm vụ với đất nước, với phố cổ dấu yêu. Họ gặp nhau rồi chia tay trong cảnh thời chiến ở thủ đô bồi hồi xúc động:“Ngày mai các cô gái đẹp phố cổ lại trở về với nơi sơ tán chăm chỉ học hành. Đừng lo cho tương lai, các chàng trai vẫn chờ đợi chào đón” [tr.47]. Mỗi người một nhiệm vụ riêng nhưng cộng hưởng nhau trong nhiệm vụ chung: Sẵn sàng lo mọi việc cho ngày mai của thủ đô với một niềm tin thắng lợi, bảo vệ vẹn tròn Hà Nội thiêng liêng.

Đồng hiện những ký ức chiến tranh bi hùng và nhân hậu - Anh 1

Tập truyện ký "Phố cổ đêm chiến tranh"

Ký là loại hình văn học trung gian giữa báo chí và văn học, gồm nhiều thể tài như: bút ký, phóng sự, ký sự, tuỳ bút, truyện ký… Đối tượng nhận thức thẩm mỹ chủ yếu của ký thường là những sự kiện, tình cảnh, đạo đức, phong hoá xã hội có tác động trực tiếp đến hiện thực và con người trong những quan hệ cụ thể được nhà văn quan tâm thể hiện để mọi người cùng nhận thức và suy ngẫm, cùng làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn và ý nghĩa hơn.

Trong tập ký/ truyện ký Phố cổ đêm chiến tranh, Hà Minh Đức đã nắm vững đặc trưng thể loại nên chú ý tái hiện một sự kiện, một câu chuyện riêng lẻ, nhưng hoàn chỉnh có liên quan đến Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ. Ở đây, những người thật, chuyện thật hiện lên rất đa dạng, chi tiết. Chúng có khả năng khái quát trong liên tưởng gàn và liên tưởng xa của tác giả và người đọc một cách thực tiễn, nhưng không kém phầm thẩm mỹ. Ngôn từ, hình ảnh và ý nghia tương hợp, chắt lọc, sắp xếp logic và hấp dẫn. 

Những truyện ký trực tiếp nói về cuộc sống đời thường và cuộc chiến đấu của nhân dân thủ đô được Hà Minh Đức thể hiện như chúng vốn có, không hư cấu. Vì vậy, toát lên hiện thực câu chuyện, có diễn biến và kết thúc một cách bất ngờ và hấp dẫn. Ở bút ký Trạm liên lạc đội tự vệ Sông Hồng, tác giả kể về đôi bạn chiến sĩ Mùi và Tuấn làm nhiệm vụ trực chiến bên bờ sông Hồng, gần chân cầu Long Biên. Họ cảm thương nhau, nhưng nén tình riêng vì nhiệm vụ chung giữa bao quan hệ đời thường diễn ra hằng ngày nới phố cổ. Những con người nơi đây gắn bó với nhau trong tình cảm khắng khít, chan hoà được tác giả miêu tả đến từng chi tiết, làm hiện lên một phố cổ Hà Nội đêm chiến tranh rất thật đến không ngờ: “Phố cổ ban ngày vẫn giữ nếp sinh hoạt bình thường. Hàng hóa thiếu thốn nhiều cửa hàng phải đóng cửa. Phố Hàng Ngang có hai cửa hàng đông khách. Hàng gạo khi có gạo về người mua phải xếp hàng và cũng có trường hợp ưu tiên cho các nhà khoa học. Ông Tước nhà báo ở phố Hàng Đường, thầy giáo ở phố Hàng Ngang cũng trong danh sách ưu tiên, gạo về được mua trước. Cửa hàng bách hóa ở giữa phố Hàng Ngang chưa mở cửa, nhiều con phe đã đứng đợi. Hàng hóa ít, con phe mua tất cả các thứ xà phòng thuốc đánh răng, diêm, khăn mặt, thuốc cảm sốt, dầu xoa bóp, cao sao vàng... và sau lại để lại cho những người bán lẻ ngồi dọc đường suốt từ Hàng Ngang lên tới chợ Đồng Xuân. Chợ Đồng Xuân vẫn họp bình thường các ngày, rau quả, thực phẩm thịt cá vẫn đông khách, cửa hàng tạp hóa trong chợ khan hiếm hàng nên vắng vẻ…” [tr.18]. Cuộc mưu sinh của từng người vất vả và đáng thương cảm là vậy được tác giả kể lại bằng giọng văn ngậm ngùi, chân thật, pha sắc thái tự hào.

Cũng trong mạch kể chuyện chân cảm và tuyến tính như trên, các truyện ký như: Cuộc chiến bất ngờ và nhiều thử thách, Sẽ tới một ngày với chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, Ngôi nhà không bình yên… giúp người đọc hình dung trọn vẹn về những trục không gian và thời gian chiến tranh khi dữ dội, khi thầm lặng của Thủ đô bình dị, lãng mạn và quả cảm: Còi báo động rú lên từng đợt. Các chiến sĩ, các đội tự vệ đã sẵn sàng chiến đấu. Tiểu đội tự vệ Sông Hồng do Tuấn chỉ huy gồm 3 nam phụ trách với một trung liên và hai súng trường tự động của hai phụ nữ. Hai điểm sáng, vệt sáng, quãng sáng đã xuất hiện và bổ nhào xuống mặt sông.  Bắn, bắn đón đầu, bắn đuổi, bài học quân sự đã thuộc cứ thế mà tiến hành. Trên đỉnh cầu, các chiến sĩ với các cỗ pháo lớn, súng đại liên bắn như vãi đạn vào máy bay địch. Hai thần sấm vọt lên cao và kịp phóng một tên lửa vào cầu, một thanh sắt bị chảy gãy gập xuống. Cuộc chiến đấu diễn ra nhanh chóng với nhiều khó khăn. Máy bay địch có thể bổ nhào từ bốn phía, đặc biệt hai chiều nước chảy của dòng sông. Khác với việc bảo vệ cầu Hàm Rồng. Cầu Hàm Rồng có nhiều núi non bao quanh, máy bay Mỹ phải giới hạn ở một số đường bay quen thuộc nằm trong tầm bảo vệ của đội xạ thủ dũng cảm và thiện chiến. Nhiều máy bay Mỹ đã bị rơi ở trận địa Hàm Rồng. Cuộc chiến đấu tuy nhanh chóng nhưng với đội tự vệ Sông Hồng là một thử thách nhưng cũng được ghi nhận như một thành tích. Sáng hôm sau tiểu đội triệu tập hợp sớm đang trao đổi bàn bạc thì có hai chiến sĩ trên cầu ghé vào chơi, vui quá không dễ được gặp các anh, các anh cũng vui khi gặp các chiến sĩ tự vệ vẫn hàng ngày giúp đỡ khâu hậu cần khi cần thiết” (Cuộc chiến bất ngờ và nhiều thử thách) [tr.23].

Với truyện ký Sẽ tới một ngày với chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, tác giả thuật lại không khí và những hoạt động khá chi tiết của Trung đội tự vệ sông Hồng và nhân dân thủ đô chuẩn bị cho cuộc đánh trả sự leo thang chiến tranh điên rồ của Mỹ: dùng pháo đài bay B52 rải thảm xuống Hà Nội. Tinh thần “Quyết tử cho Hà Nội quyết sinh” của mỗi người dân trỗi dậy mạnh mẽ chưa từng có trước mệnh lệnh “Tổ quốc hay là chết”. Hà Minh Đức đã chứng kiến không khí căng thẳng, ác liệt này và ghi lại trên trang viết của mình về sự thật hào hùng đó:Đêm đã khuya còi báo động réo lên liên hồi, kẻ thù đã đến. Những tiếng ù ù từ đằng xa nhưng chúng gây chấn động cả bầu trời và B52 đã tràn vào Hà Nội. Cao xạ pháo, tên lửa của bộ đội bắn tới tấp, từng quầng lửa, đám cháy rực sáng cả bầu trời và bom nổ rải thảm xuống một số vùng của Hà Nội. Khu vực An Dương, phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai... Trận địa Điện Biên Phủ trên không quật ngã từng chú máy bay khổng lồ. Bầu trời rực lửa, tiếng reo hò khi một B52 trúng đạn rực cháy trên bầu trời thủ đô và rơi xuống ngay vùng quê nội thành Ngọc Hà, Hữu Tiệp. Riêng phi công Phạm Tuân đã dũng cảm thông minh dùng máy bay tiếp cận ở độ thích hợp và phóng tên lửa đốt cháy một B52. Số lượng máy bay B52 rơi tăng dần tăng nhanh trong một vài ngày khiến kẻ thù khiếp sợ lưới lửa Hà Nội (…) Một Điện Biên Phủ chói sáng bất tử trong kháng chiến chống Pháp, một Điện Biên Phủ anh hùng trên không giữa bầu trời Hà Nội làm nức lòng nhân dân cả nước, dân tộc Việt Nam anh hùng và bè bạn trên thế giới” [tr.52-53]. Một cuộc đại thắng, một Điện Biên Phủ trên không vĩ đại chưa từng có trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Như phần Vỹ thanh cần thiết để khẳng định tầm vóc việt Nam, tâm hồn Việt Nam và sức mạnh văn hoá Việt Nam, Hà Minh Đức khép lại tác phẩm bằng ký sự: Du khách nước ngoài với phố cổ và lời kết của tác gỉa. Với trách nhiệm công dân và trọng trách của một nhà giáo, nhà lý luận văn hoá và văn học, Hà Minh Đức đã khái quát lại tầm vóc văn hoá, lịch sử, địa hình, địa vật và linh khí Hà Nội, kết tinh thành địa - văn hoá qua con mắt và đánh giá của khách quốc tế, đặc biệt là đánh giá của các nhà khoa học, nhà văn hoá và lịch sử để khẳng định Hà Nội là thủ đô hội đủ những tiêu chí quan trọng, kết tinh thành văn hoá vật thể và phi vật thể mà mọi người dân cần phải nhận thức để giữ gìn, bảo tồn và phát triển, phát huy ngày càng sâu rộng trong nước và quốc tế như lời của ông Huỳnh Kim Khách, giáo sư trường Đại học Berkaley (Mỹ) đã đúc kết: “Nếu trong tay tôi có nhiều triệu đô la tôi sẽ biến thành phố Hà Nội thành một thành phố lộng lẫy. Hà Nội là thành phố có chiều sâu văn hóa có hiện đại xen truyền thống cổ kính” [tr. 76]. Chúng ta tự hào và yêu quí Hà Nội ngàn năm văn vật từ ngàn xưa cho đến hôm nay là vây!

Khép lại tập truyện ký "Phố cổ đêm chiến tranh" của Hà Minh Đức, người đọc được thoả mãn nhận thức thẩm mỹ, lịch sử và văn hoá về Hà Nội - thủ đô tuyệt đẹp và anh hùng của dân tộc Việt Nam. Ký ức chiến tranh được sống dậy trong cảm thức bi hùng và bi tráng, giúp mọi người càng yêu quí Hà Nội và con người Hà Nội đã chiến đấu và chiến thắng để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thủ đô yêu quí của chúng ta cho đến hôm nay và mãi mãi mai sau.

Hồ Thế Hà

Ý kiến bạn đọc