Để thể thao trở thành "con gà đẻ trứng vàng" (Bài 3): Phá rào cản, kinh tế thể thao sẽ phát triển

VHO- Chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực TDTT GS.TS Lâm Quang Thành là người đã có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế thể thao. Trong cuộc trao đổi với Văn Hoá, GS.TS Lâm Quang Thành khẳng định, dù đã từng bước hình thành nhưng việc phát triển kinh tế thể thao ở nước ta hiện còn nhiều rào cản.

Để thể thao trở thành 

 Vì vậy cần phải nỗ lực vượt qua mới có thể hiện thực được ước mơ về một ngành công nghiệp không khói trong tương lai.

P.V: Thưa GS Lâm Quang Thành, ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển của kinh tế thể thao ở nước ta hiện nay?

- GS.TS Lâm Quang Thành: Trước hết cần thấy rằng, việc phát triển kinh tế thể thao ở nước ta có những thuận lợi vì chủ trương, đường hướng này đã được đề cập tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 23.10.2002 của Ban Bí thư khóa IX về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010, trong đó nhấn mạnh: “Tạo cơ sở phát triển kinh tế thể thao”. Thực tế cho thấy trong hơn 20 năm qua, đặc biệt trong những năm gần đây, kinh tế thể thao ở nước ta đã dần hình thành và đang có những bước phát triển thuận lợi. Với độ thời gian chưa dài đó nhưng kinh tế thể thao đã đạt được những kết quả bước đầu trong xây dựng thị trường TDTT và đang từng bước mở rộng mặc dù nó mới chỉ diễn ra ở các thành phố lớn...

Mặc dù vậy, thị trường thể thao ở nước ta vẫn ở dạng mới hình thành, chưa phát triển rộng và mạnh mẽ. Thành phần kinh tế sở hữu tư nhân hoặc cổ phần hóa trong lĩnh vực TDTT còn chậm phát triển, do đó có nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế thể thao.

Vậy theo GS, những khó khăn trong việc phát triển kinh tế thể thao ở nước ta là gì?

- Những khó khăn có thể thấy rõ qua các ví dụ sau. Đó là về sản xuất và kinh doanh sản phẩm vật chất, số lượng các công trình thể thao so với số dân đạt tỷ lệ dưới trung bình với nhiều nước châu Á và chất lượng các công trình thể thao còn thấp. Với dân số gần 100 triệu người, trung bình ở nước ta, một vạn dân sử dụng 3,204 công trình TDTT, trong khi đó ở nhiều quốc gia châu Á, tỷ lệ này là 6,58. Số lượng các công trình TDTT đủ tiêu chuẩn, kích thước để thi đấu theo quy định quốc tế (thi đấu trong nước, thi đấu quốc tế) còn rất ít, chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số công trình thể dục thể thao (2%). Nhiều quốc gia châu Á, các công trình thể dục thể thao đúng tiêu chuẩn (kể cả thể thao giải trí) thường lớn gấp 1,8 lần số lượng công trình thể thao không đủ tiêu chuẩn.

Về thị trường sản xuất và kinh doanh hàng hoá, trang thiết bị thể thao, các doanh nghiệp sản xuất dụng cụ, trang phục thể thao có quy mô khá khiêm tốn, chỉ mới sản xuất được những trang thiết bị, dụng cụ đơn giản, còn yếu về mặt chất lượng, thiết kế, sự sáng tạo đối với các loại sản phẩm vì vậy còn thiếu tính cạnh tranh và sức mạnh thương hiệu… Đối với kinh doanh các dịch vụ thể thao phi vật chất, cơ chế, chính sách trong tổ chức quản lý và phát triển thể thao chuyên nghiệp còn mang tính ràng buộc, chưa tạo động lực cho xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa các môn thể thao; hình thức đầu tư ở nhiều môn thể thao do nhà nước là chính, sự đầu tư của xã hội chỉ ở hình thức hỗ trợ, tài trợ và chưa tạo được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh. Dịch vụ tập luyện thể thao giải trí– sức khỏe, hiện còn quá ít các cơ sở, khu vui chơi, giải trí, hoạt động TDTT trong nhân dân, cả ở các khu đô thị lẫn nông thôn và rất thiếu những trung tâm, câu lạc bộ TDTT đáp ứng nhu cầu về dịch vụ chất lượng cao…

Một số hoạt động kinh doanh dịch vụ bước đầu hình thành về mặt pháp lý hoặc đã có một số đơn vị kinh tế quan tâm đầu tư phát triển, nhưng chưa triển khai trong thực tế, gồm: xổ số, cá cược thể thao; đầu tư chứng khoán cho các môn thể thao chuyên nghiệp, thể thao giải trí; dịch vụ bảo hiểm thể thao; dịch vụ khai thác chuyển nhượng thương quyền, thương hiệu, bản quyền truyền hình được triển khai rất hạn chế do các tổ chức thể thao thụ động, trì trệ trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu và tổ chức khai thác thương hiệu, bản quyền…

Những khó khăn, hạn chế vừa dẫn ở trên xuất phát từ những rào cản đối với sự phát triển kinh tế thể thao ở nước ta.

Để thể thao trở thành 

 Chiếc HCV Olympic lần đầu tiên trong lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã giúp cho Bắn súng Việt Nam thu hút được thêm nhiều nhà tài trợ Ảnh: Getty Images

 GS vừa đề cập đến những rào cản tạo ra sự ngăn cách đối với việc phát triển kinh tế thể thao. Vậy những rào cản đó là gì và nó có thực sự lớn?

- Có thể thấy như thế này, với những nước phát triển thì thể thao là một ngành kinh tế thực thụ, hái ra tiền, còn tại Việt Nam, ngành TDTT gần như chỉ sống bằng nguồn ngân sách nhà nước. Tư duy và nhận thức về TDTT chưa thật đúng nghĩa với việc phát triển thành một ngành kinh tế vừa gắn, vừa làm chỗ dựa cho phát triển TDTT và hội nhập quốc tế.

Thứ nữa, việc quản lý đối với kinh doanh TDTT còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với xu thế đổi mới chung của đất nước là hướng mạnh vào quản lý theo cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; cơ sở pháp lý, các quy định hiện hành liên quan tới phát triển TDTT nhìn chung chủ yếu mang nhiều tính chất sự nghiệp, dựa nhiều vào nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước. Các cơ quan quản lý TDTT ở Trung ương và địa phương chỉ quản lý nhà nước đối với hoạt động phát triển TDTT thuần túy mà gần như không có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với kinh doanh thể thao. Sự phối kết hợp giữa hoạt động phát triển TDTT với kinh doanh thể thao có những bất cập, khó khăn; một số hoạt động kinh doanh thể thao hấp dẫn, có khả năng mang lại hiệu quả kinh doanh cao như hoạt động cá cược, xổ số; mua bán, chuyển nhượng vận động viên, cầu thủ… còn chưa rõ trong hành lang pháp lý để vận hành trên thực tế.

Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật thể thao vẫn còn thiếu, chất lượng chưa cao; các hàng hóa dịch vụ TDTT chưa thực sự tốt và đa dạng. Hiện nay chúng ta rất thiếu các doanh nghiệp chuyên về thể thao để có thể cung ứng các hàng hóa cũng như dịch vụ thể thao chất lượng cao theo quy chuẩn quốc tế. Một điều nữa, những hạn chế về chất lượng nhân lực kinh tế thể thao đang gây ra nhiều khó khăn trong tổ chức các hoạt động kinh doanh, thu hút người dân tham gia các dịch vụ thể thao, thu hút các khoản tài trợ, quảng cáo từ các nguồn trong nước và nước ngoài để phục vụ cho các hoạt động thể thao…

Đó là những rào cản chính mà chúng ta cần phải nỗ lực phá bỏ để vượt qua. Khắc phục được những tồn tại, hạn chế cũng như những rào cản trên mới có thể hiện thực được về một ngành công nghiệp thể thao trong tương lai.

 Xin cảm ơn Giáo sư!

 Một điều nữa, những hạn chế về chất lượng nhân lực kinh tế thể thao đang gây ra nhiều khó khăn trong tổ chức các hoạt động kinh doanh, thu hút người dân tham gia các dịch vụ thể thao, thu hút các khoản tài trợ, quảng cáo từ các nguồn trong nước và nước ngoài để phục vụ cho các hoạt động thể thao…

Đó là những rào cản chính mà chúng ta cần phải nỗ lực phá bỏ để vượt qua. Khắc phục được những tồn tại, hạn chế cũng như những rào cản trên mới có thể hiện thực được về một ngành công nghiệp thể thao trong tương lai.

(GS.TS LÂM QUANG THÀNH)

Bài 4: Nhìn sang các quốc gia láng giềng

THU SÂM (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc