Quanh chuyện đặt tên sau sáp nhập (Bài cuối):

Cầu thị, dân chủ và cần tham vấn chuyên môn

PHƯƠNG ANH - QUỲNH HOA (thực hiện)

VHO - Trao đổi với Văn Hóa về chủ đề “Quanh chuyện đặt tên sau sáp nhập”, PGS.TS Bùi Xuân Đính, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về làng Việt cổ truyền, nhấn mạnh việc đặt tên mới sau sáp nhập đơn vị hành chính nếu không thực hiện bằng sự cẩn trọng, cầu thị và lắng nghe thì hệ quả là những xáo trộn, gây nên cú sốc và sự tổn thương không dễ dàng xoa dịu.

Cầu thị, dân chủ và cần tham vấn chuyên môn - ảnh 1

Với đôi tay khéo léo, tài hoa, người thợ Chàng Sơn đã làm nên nhiều công trình có giá trị văn hóa

Theo ông Đính, việc đặt tên mới như những ngày qua cho thấy có sự lúng túng, nóng vội và hơn hết là sự không thấu hiểu ý nghĩa sâu xa của tên làng, tên xã cũng như những hệ lụy đương còn tiềm ẩn.

Chưa tính hết độ vênh về văn hóa, lịch sử…

P.V: Xung quanh chuyện đặt tên xã, làng sau sáp nhập, dư luận đã, đang xuất hiện nhiều luồng ý kiến. Ở góc độ nghiên cứu về làng Việt cổ truyền, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- PGS.TS Bùi Xuân Đính: Tên làng, tên xã là sự đúc kết một quá trình của cha ông ta định cư lập làng, giữ làng, phát triển làng ở các vùng quê khác nhau. Những tên gọi phản ánh đa dạng, nhiều tầng ý nghĩa, rất thân thương và quen thuộc. Tên làng, xã có thể là sự phản ánh về đặc điểm địa lý tự nhiên; phản ánh quá trình tụ cư, khai hoang lập làng; nghề nghiệp và sản vật nổi bật; hay những khát vọng về cuộc sống tốt lành…

Trong mỗi làng, xã từ xa xưa đều hàm chứa những dấu ấn lịch sử, văn hóa truyền thống. Bởi thế, danh xưng về làng, xã luôn ăn sâu trong tâm trí của người dân và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với ý nghĩa như một sự chỉ dẫn về văn hóa, mỗi người con ở các làng quê đều tự hào về cái tên làng mình. Họ lao động, phấn đấu cũng vì danh dự của làng quê. Và dù xa quê đi đến nơi nào thì tên làng cũng không bao giờ quên được. Trải qua những thăng trầm lịch sử, có nhiều trường hợp sự dịch chuyển một cộng đồng dân cư lại gắn liền với sự dịch chuyển tên làng. Vì thế, không lạ khi giữa nhiều tỉnh, thành có những tên làng trùng nhau; một mặt cho thấy cư dân các miền quê này đều chung một ước vọng, nhưng nhiều trường hợp cũng phản ánh thực tế là trong quá trình di dân đó, một số cộng đồng lấy tên làng gốc để nhớ về quê hương, nguồn cội.

Nhưng đáng buồn là, trong những ngày qua chúng ta đang chứng kiến việc nhiều địa phương thực sự lúng túng, thiếu khoa học và bài bản trong việc đặt tên mới cho những xã sau sáp nhập. Một phần là các yếu tố văn hóa, lịch sử chưa thực sự được chú trọng và tôn trọng. Phần khác, nhiều địa phương tiến hành sáp nhập, đổi tên, đặt tên một cách cơ học, nếu không dám nói là vô cảm.

Trong quá khứ, tên làng, tên xã cũng đã có nhiều lần thay đổi sau sáp nhập, chia tách. Xin ông cho biết, lần thay đổi này khác với những lần trước như thế nào?

- Chúng ta phải khẳng định rằng, chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính lần này đều nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Điều kiện hiện nay khác với thời kháng chiến. Nếu làm tốt sẽ tạo ra một không gian rộng cho các xã phát triển, quy hoạch kiến trúc, phân vùng kinh tế…, đồng thời giảm lượng công chức, cán bộ cấp xã ở một số nơi đang quá đông. Tuy nhiên, quá trình lần này cần phải dự báo được sự phát triển, gia tăng nhanh chóng về dân số trong mấy chục năm tới.

Chúng ta chỉ đang bàn về đặt tên xã theo địa lý hành chính mà chưa tính tới yếu tố, độ vênh về văn hóa, nếp sống, thói quen…, thậm chí là mối quan hệ không đồng thuận từ trước giữa các cộng đồng dân cư, nay nhập lại sẽ khó quản lý. Đây là những vấn đề từ thực tế đặt ra, vì thế việc sáp nhập, đặt tên mới cần lường trước trên nhiều khía cạnh.

Nhìn lại, việc đặt tên mới cho làng, xã sau khi tiến hành sáp nhập không phải là vấn đề đơn giản, trong nhiều trường hợp còn trở nên phức tạp. Ông có suy nghĩ như vậy không?

- Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, phần lớn các làng, xã trước đây được Nhà nước phong kiến lập thành một xã, tên làng trùng tên xã, được bảo lưu lâu đời. Tên làng gắn với các đặc điểm, giá trị nên luôn được các thế hệ dân làng khắc sâu trong tâm khảm. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, do yêu cầu của công cuộc kiến quốc và kháng chiến, nhiều làng được sáp nhập lại thành một xã. Tên làng từ đây có biến động và chịu tác động của thời cuộc. Lúc này đã xuất hiện hiện tượng ghép tên các làng lại với nhau để đặt tên cho xã mới; xuất hiện nhiều xã đặt theo tên các anh hùng dân tộc, nhà cách mạng, chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của địa phương.

Nhiều xã đặt tên theo ý chí, mục tiêu cách mạng như Quyết chiến, Quyết thắng, Chiến thắng, Độc lập, Tự do, Thành công, Thống nhất… Đến giữa những năm 1960, đầu những năm 1970, phần lớn những tên xã “cách mạng” đó dần dần trở về tên làng gốc. Vấn đề đặt tên như thế nào đã được đặt ra. Nhiều xã quy mô một làng thì chỉ lấy lại tên cũ của làng đặt tên cho xã. Nhưng có xã có tới 2, 3 làng thì cũng có hiện tượng ghép tên, nhiều tên không hay, vô nghĩa. Tuy nhiên, trong bối cảnh công cuộc kiến thiết đất nước và kháng chiến đang diễn ra sôi động, việc đổi tên, ghép tên như vậy có thể chấp nhận được.

Còn trong bối cảnh hiện nay, việc đặt tên mới đang theo xu hướng lắp ghép, cơ học. Những xã ngày nay thường có quy mô lớn, khi sáp nhập hai xã làm một thì đặt tên mới như thế nào. Đó là cả một vấn đề. Nhìn vào trường hợp hai xã ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) chẳng hạn, sau sáp nhập chính quyền dự kiến đặt tên xã Đôi Hậu. Tên này chẳng những không thuận tai mà còn vô cảm, thậm chí phản cảm. Người xưa có câu: “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi”. Vậy vì sao không lấy tên Quỳnh Đôi để đặt cho hai xã sau sáp nhập, dường như người ta e ngại vì còn tên xã Quỳnh Hậu nữa.

 Trước thực tế đặt tên mới hiện nay, với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này, ông có khuyến nghị gì để việc đặt tên mới không còn xảy ra sự ngô nghê, vô hồn?

Cầu thị, dân chủ và cần tham vấn chuyên môn - ảnh 2

- Tôi cho rằng, không ít địa phương còn có sự lấp liếm, ngụy biện nào đó khi đưa ra quy trình thực hiện bằng tỷ lệ lấy phiếu đối với tên gọi mới. Không biết mức độ lấy ý kiến người dân được thực hiện như thế nào, có thật sự dân chủ và minh bạch không? Thực tế vẫn cho thấy, nhiều trường hợp tỷ lệ phiếu cao đối với tên gọi mới nhưng người dân vẫn bức xúc.

Vì thế, điều quan trọng trước hết là phải lấy ý kiến tư vấn của những người am hiểu truyền thống địa phương cùng các nhà khoa học. Phải thực sự tôn trọng ý kiến của cộng đồng, cần tuyên truyền, giải thích rõ ràng là vì sao lựa chọn tên mới đó. Chính quyền cần tổ chức bài bản, khoa học, dân chủ, minh bạch và không áp đặt sẽ giúp quá trình chọn tên mới sau sáp nhập mới thực sự thuyết phục. Cũng cần nhớ rằng, sự cứng nhắc, nóng vội rất có thể sẽ dẫn đến những tổn thương không dễ dàng xoa dịu.

Tôi hoàn toàn không đồng ý với phương án ghép tên một cách cơ học. Quan trọng là phải chọn được tên làng, xã nổi bật trong suốt tiến trình lịch sử so với xã sáp nhập. Ví như Quỳnh Đôi so với Quỳnh Hậu. Hay xã Hữu Bằng, một làng nghề, làng khoa bảng nổi tiếng ở huyện Thạch Thất nhập so với Bình Phú. Trường hợp hai xã Thạch Xá và Chàng Sơn cũng vậy. Nói đến Chàng Sơn là nói đến một làng nghề nổi tiếng của xứ Đoài, sao không giữ tên này để đặt cho xã mới? Những cái tên làng nghề như Chàng Sơn, Hữu Bằng sẽ không chỉ giữ được dấu ấn lịch sử, văn hóa mà còn có lợi cho phát triển kinh tế lâu dài.

Cần huy động sự tư vấn, giúp đỡ của nhà chuyên môn

Nhiều địa phương hiện đang lúng túng về việc, sau khi sáp nhập những tên làng, xã cũ không còn được nhắc đến. Điều này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Có nhiều hình thức để giữ tên những làng, xã không còn được nhắc đến sau sáp nhập. Nếu sáp nhập làng, xã đông dân cư, phải chia thành nhiều thôn khác nhau thì tên làng, thôn kèm theo đánh số thứ tự. Ví dụ như thôn 1 Hữu Bằng, thôn 2 Hữu Bằng và các tên này phải là tên mang tính quản lý hành chính. Như thế, tên làng sẽ trường tồn, không bị mất đi. Không nên đặt tên là thôn 1, thôn 2, thôn 3 bởi như thế sẽ làm mất tên làng, thứ nữa sẽ rất đơn điệu, khô khan, trùng với xã khác.

Ngoài ra, chúng ta giữ tên làng trên cổng làng, các công trình công cộng, trường mầm non; bia ở di tích, đình, chùa, đền, miếu, văn chỉ làng… Như ở Hà Hồi (Thường Tín), nếu sáp nhập xã thì đình Hà Hồi phải giữ tên đó. Tức là các di tích cổ và những dấu hiệu của ngôi làng cũ vẫn phải giữ nguyên. Như thế, các làng không sợ mất tên khi tên cũ, không được ghi trong dấu ấn của làng xã mới.

Ông có thể lý giải vì sao tại nhiều địa phương, người dân vẫn bức xúc chuyện đặt tên trong khi các cấp lãnh đạo khẳng định đã làm đúng quy trình, tên mới có tỷ lệ phiếu bầu cao?

- Những bức xúc về tên làng, xã mới của người dân đã thể hiện sự nóng vội, chủ quan, của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai việc đặt lại tên trong quá trình sáp nhập. Những người có trách nhiệm đã không nhận thấy được ý nghĩa sâu xa của việc đặt tên và việc giữ tên làng, xã; không thấy được những hệ quả, thậm chí là hệ lụy của việc mất tên làng, xã. Ở đây, chúng ta thấy vấn đề là, những người chịu trách nhiệm của công việc này hiện nay chưa đủ tâm, đủ tầm để có thể nghĩ ra được những cái tên cho phù hợp. Đối với việc đặt tên mới cần tính đến giải pháp huy động sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía giới nghiên cứu, khoa học xã hội và nhân văn.

Hơn nữa, trước khi đặt tên mới cần tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu về ý nghĩa của tên và đồng thuận. Vừa qua, tại thị xã Duy Tiên (Hà Nam), tôi được mời tham gia tư vấn đặt tên khi nhập xã Mộc Hoàn Nam và Mộc Hoàn Bắc. Tôi đã tư vấn với địa phương nên chọn tên Mộc Hoàn.

Tôi cũng đã viết về ý nghĩa của tên mới này để chính quyền 2 xã sử dụng tuyên truyền trên phát thanh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tên gọi mới được người dân rất đồng tình. Ví dụ này cho thấy, chính quyền phải có quy trình lấy ý kiến của người dân, các nhà khoa học và tuyên truyền về tên mới trong đề xuất. Không thể vì lý do nào đó mà bỏ qua điều này, tự đặt một cái tên nào đó một cách vô cảm, trái lòng dân.

Hoặc trong quá trình đặt tên xã mới, có những tên xã không được người dân đồng tình, nhưng người có thẩm quyền lại cho rằng lựa chọn vì tên xã đó có trước, ví như Chàng Sơn và Thạch Xá ở Thạch Thất. Theo tôi, không nhất thiết cứ phải lấy làng nào ra đời trước làm chuẩn. “Tuổi tác” của ngôi làng không ý nghĩa bằng những giá trị văn hóa, những lợi ích mà tên tuổi ngôi làng đó mang lại cho sự phát triển chung.

Xin cảm ơn ông! 

Ý kiến bạn đọc