Truyền thông quốc tế ca ngợi “Những cô gái kim cương”

VHO- Tuy lần đầu tham dự vòng chung kết bóng đá nữ thế giới (FIFA Women’s World Cup) 2023, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như lời ngợi khen của truyền thông quốc tế. Đó là thành quả dành cho nghị lực, ý chí vượt khó vươn lên của những cô gái đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính ví như “Những viên kim cương”.

Truyền thông quốc tế ca ngợi “Những cô gái kim cương” - Anh 1

 Truyền thông quc tế đánh giá cao những nỗ lực của đội tuyn nữ Việt Nam Ảnh: INTERNET

 Xứng đáng góp mặt tại World Cup

Tuyển nữ Việt Nam sắp bước vào tranh tài tại World Cup. Lần đầu tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, xen lẫn niềm tự hào của mốc son lịch sử còn là mối âu lo về chênh lệch trình độ. 4 năm trước, World Cup 2019, Thái Lan từng thua tuyển Mỹ với tỷ số 13-0, cách biệt lớn nhất lịch sử vòng chung kết bóng đá nữ. Thất bại này đã đánh sập ý chí của những cô gái đến từ xứ sở Chùa Vàng, hệ quả là bóng đá nữ Thái Lan ngày càng sa sút. Bài học từ đội bóng kình địch thật quý giá cho thầy trò HLV Mai Đức Chung, ngoài đúc rút kinh nghiệm là việc xác định tư tưởng trước khi bước vào trận mở màn với chính đội bóng thống trị bóng đá nữ thế giới này (trận đấu sẽ diễn ra vào lúc 8h ngày 22.7 theo giờ Việt Nam).

Dẫu vậy, hầu hết các kênh truyền thông uy tín trên thế giới đều đưa ra những đánh giá rất tích cực về các “Nữ chiến binh sao vàng”. Trên chuyên trang phân tích của Opta, công ty cung cấp dữ liệu và định hình kỷ nguyên thống kê trong thế giới bóng đá, nữ phóng viên Jessa Braun đưa ra nhận định: “Không đội bóng nào dám tị nạnh với Việt Nam. Bởi lẽ, trong lần đầu tiên tham dự World Cup, đối thủ của họ sẽ là đội tuyển Mỹ - đội đứng đầu trên bảng xếp hạng FIFA. Tuy nhiên, tuyển nữ Việt Nam chẳng dễ gì bị hạ gục. Các cô gái ấy đến giải đấu bằng niềm tự hào sau tấm huy chương vàng SEA Games thứ tư liên tiếp. Chiến thắng 2-0 trước Myanmar để bước lên bục đăng quang, đủ chứng minh họ xứng đáng góp mặt tại World Cup”.

Jessa Braun cũng đánh giá về cơ hội làm nên lịch sử của tuyển nữ Việt Nam, với bàn thắng đầu tiên tại giải vô địch thế giới: “Bàn thắng nhiều khả năng sẽ đến từ Huỳnh Như, chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử đội tuyển quốc gia. Cô gái này cũng đã giành 5 Quả bóng vàng Việt Nam, bao gồm 4 danh hiệu liên tiếp trong những năm vừa qua”. Vai trò của Nguyễn Bích Thùy cũng được đề cao. Cô là tác giả bàn thắng quyết định vào lưới Đài Loan (Trung Quốc) tại Asian Cup để đưa Việt Nam tới World Cup. Ngoài ra, Braun ca ngợi Nguyễn Thị Tuyết Dung là cầu thủ có biệt tài ghi những bàn thắng diệu kỳ mà hiếm cầu thủ nào thực hiện được: “Đáng chú ý, Tuyết Dung từng ghi 2 bàn từ những quả đá phạt góc trong trận đấu với Malaysia hồi năm 2015, một bàn từ chân trái và một bàn từ chân phải!”.

Trong khi đó, chuyên trang thể thao nổi tiếng The Athletic quả quyết: “Đừng nên chờ đợi tuyển nữ Việt Nam là nạn nhân tiếp theo bị tuyển Mỹ đánh bại bằng tỷ số có hai chữ số. Hồi tháng 6, đội bóng này đã đối đầu với đội tuyển Đức và chỉ thua 1-2, mặc dù Đức là ứng cử viên hàng đầu và được thi đấu trên sân nhà”.

Áp lực tạo nên thành công

Sở dĩ tuyển nữ Việt Nam được truyền thông quốc tế đề cao, là bởi nỗ lực vượt lên nghịch cảnh phi phàm. Trái ngược với bóng đá nam, bóng đá nữ gặp vô vàn khó khăn vì định kiến và điều kiện kinh tế. Ngay cả các nền bóng đá phát triển như Anh, Pháp, Hà Lan, Brazil hay Tây Ban Nha đều từng tồn tại quy định cấm tổ chức các trận đấu. Điều đó cho thấy để một cô gái bước ra sân chơi bóng đã khó, để theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số càng khó khăn gấp bội.

Đối với các cô gái Việt Nam, sinh kế càng là thử thách lớn khi theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi gặp gỡ chúc mừng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia giành vé dự World Cup đã gọi những cô gái của chúng ta là “Những cô gái kim cương”. Không vượt qua áp lực khủng khiếp, tuyển nữ Việt Nam không thể tạo ra thành công rực rỡ đến thế. Danh xưng ấy hoàn toàn xứng đáng dành cho các “Nữ chiến binh sao vàng” và cũng trở thành chủ đề chính trong bài viết đăng tải trên The New York Times của ký giả Jere Longman, người đã lặn lội nửa vòng trái đất để tìm hiểu về sự trỗi dậy mạnh mẽ của bóng đá nữ Việt Nam.

Ở bài viết của mình, ký giả Longman kể về những khó khăn các cầu thủ nữ phải đương đầu từ ngày đội tuyển được thành lập. Đó là câu chuyện những cô gái phải mặc chiếc áo rộng thùng thình của đồng nghiệp nam và di chuyển một tiếng rưỡi đồng hồ đến sân tập vào những năm 1990. “Bóng đá vẫn được xem là môn thể thao dành cho nam giới. Quá khó để các cô gái ra sân chơi bóng. Điều kiện kinh tế ngặt nghèo khiến đá bóng không phải lựa chọn sinh kế ưu tiên cho phái nữ. Nhưng quan trọng hơn hết: Các bậc phụ - mẫu không muốn con gái mình đi đá bóng”, cây bút này phác họa. Và tiếp đến là sự vươn lên thần kỳ: “Một phần tư thế kỷ sau, Việt Nam là đội bóng thống trị Đông Nam Á và lần đầu tiên tham dự World Cup”.

Để khép lại bài viết, ký giả Longman kể về câu chuyện đầy cảm động của cầu thủ Bích Thùy: “Ngay cả một số ngôi sao hiện tại vẫn phải đối mặt sự phản đối từ cha mẹ khi bắt đầu sự nghiệp. Nguyễn Thị Bích Thùy, 29 tuổi, con út trong gia đình 3 người con và mặc dù cha cô từng là cầu thủ bóng đá nhưng mẹ cô lo sợ rằng nếu cô phải tập luyện xa nhà, “sẽ không ai chăm sóc con”. Cha cô là nguồn động viên lớn nhất để cô trở thành cầu thủ. Tháng 2.2022, nỗ lực giành vé dự World Cup của tuyển nữ Việt Nam đứng bên bờ vực tan vỡ vì đại dịch Covid-19 tàn phá lực lượng, Bích Thùy ghi bàn thắng quan trọng nhất lịch sử bóng đá nước nhà, đó là một cú chạm khéo léo bằng chân phải và một cú sút quyết đoán bằng chân trái làm tung lưới Đài Loan. Thùy dành bàn thắng ấy cho cha, người đã qua đời vào năm 2016”.

Bóng đá nữ là những khó khăn, thử thách vô cùng tận như thế. Nhưng bằng sự quan tâm sâu sát từ những nhà lãnh đạo cao nhất, sự chung tay của người hâm mộ, và ý chí, nghị lực vươn lên của thầy trò Mai Đức Chung, những câu chuyện cảm xúc và chiến công hiển hách đẹp như kim cương vẫn đang chờ trước mắt. 

NGỌC TRUNG

Ý kiến bạn đọc