Độc đáo “bảo tàng Pỉ Noọng” của nữ nghệ nhân người Thái

VHO - Đến bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có một phòng trưng bày rất đặc biệt mang tên Pỉ Noọng. Đây là không gian trưng bày vật dụng truyền thống của các dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Dao, Tày… do bà Sầm Thị Bích dày công sưu tầm từ những năm 1990 cho đến nay.

Mỗi hiện vật là một câu chuyện
Bản Hoa Tiến cách TP. Vinh, trung tâm tỉnh lỵ Nghệ An gần 160 km về phía tây bắc. Hoa Tiến nằm lọt giữa cách đồng, bốn bề được bao bọc bởi sông, suối. Gần 500 gia đình của Hoa Tiến đều là người Thái, phần lớn sinh sống trong những căn nhà sàn truyền thống bằng gỗ. Về bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An du khách không những được ở Homstay, thưởng thức các món ăn truyền thống, hòa mình vào các làn điệu cổ, tìm hiểu văn hóa, tập tục truyền thống của người Thái. Đặc biệt, khách xa còn có dịp được tìm hiểu về những bộ trang sức, váy áo và các đồ dùng sinh hoạt lưu truyền từ xa xưa của người Thái và các dân tộc khác tại "Bảo tàng Pỉ Noọng" của nghệ nhân Sầm Thị Bích (SN 1965).

Độc đáo “bảo tàng Pỉ Noọng” của nữ nghệ nhân người Thái - Anh 1

Bảo tàng Pỉ Noọng trưng bày vật dụng truyền thống các dân tộc thiểu số

Là một thợ dệt thổ cẩm có tiếng ở Nghệ An lại có điều kiện đi đến nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, từ hàng chục năm nay, bà Bích đã sưu tầm và mở trưng bày các hiện vật truyền thống của các dân tộc thiểu số. Không gian trưng bày của bà Sầm Thị Bích gồm 3 phòng chính với hàng trăm hiện vật được gia chủ sưu tầm qua nhiều năm. Các hiện vật chủ yếu gồm trang phục của các dân tộc như Thái ở Nghệ An, Sơn La, người Mông, Dao Tiền, Dao Đỏ, người Tày, người Mường ở Thanh Hóa, Hòa Bình. 

Độc đáo “bảo tàng Pỉ Noọng” của nữ nghệ nhân người Thái - Anh 2

Nghệ nhân Sầm Thị Bích giới thiệu về vật dụng trưng bày tại "bảo tàng Pỉ Noọng"

Nói về tên bảo tàng, nữ nghệ nhân Sầm Thị Bích cho biết: "Pỉ Noọng trong tiếng thái có nghĩa là anh em. Vì thế đồ dùng, các vật phẩm của tất cả các dân tộc anh em đều có thể lưu giữ tại đây. Bảo tàng Pỉ Noọng trước đây là căn nhà cũ gia đình tôi. Nơi đây được tôi tu sửa lại để trưng bày các món đồ mà mình sưu tầm được để phục vụ du khách tham quan. Từ những năm 1990, bản Hoa Tiến đã được tỉnh Nghệ An quy hoạch để bảo tồn văn hóa người Thái. Đến nay, người Hoa Tiến vẫn giữ được gần như nguyên vẹn phong tục tập quán, tiếng nói, kiến trúc nhà cửa, nếp sống, sinh hoạt, trang phục của người Thái xưa. “Tôi thấy bây giờ nhiều người trẻ đến cả tiếng của dân tộc mình cũng không biết. Nên tôi sưu tầm các hiện vật này về trưng bày vừa để lưu giữ bản sắc văn hóa, vừa để mọi người, nhất là thế hệ trẻ đến tham quan có thể hiểu hơn về đời sống, các vật dụng gắn liền với đồng bào dân tộc Thái. Mỗi hiện vật thường tượng trưng cho một câu chuyện riêng. Từ đó mọi người, các cháu có thể biết được phần nào cuộc sống của cha ông ta ngày trước”, bà Bích chia sẻ thêm. 

Độc đáo “bảo tàng Pỉ Noọng” của nữ nghệ nhân người Thái - Anh 3

Trong "bảo tàng Pỉ Noọng" có nhiều đồ dùng quý được trưng bày

Trong “bảo tàng” của nữ nghệ nhân có đầy đủ hiện vật từ đơn sơ đến đồ hiếm. Từ dụng cụ sản xuất, săn bắt, hái lượm, đồ sinh hoạt hằng ngày cho đến những nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng … đều được bà sưu tầm về trưng bày. Các hiện vật được sắp xếp khéo léo thành từng nhóm khác nhau để tiện cho du khách khi vào tham quan. Bà Bích say mê giới thiệu bộ sưu tập cho người xem những đồ vật bà sưu tầm như những chiếc vò rượu mà nhà trai đem đến nhà gái trong tục cưới của người Mường ở Thạch Thành - Thanh Hóa. Hay là loại vòng bạc thường dùng trong đám cưới người Thái ở Nghệ An. Ở một số nơi, nhà trai nhất thiết phải có một đôi vòng bạc như thế này trao cho mẹ vợ để nhớ đến công ơn sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu. Những chiếc mâm ăn cơm khoét từ gỗ nguyên khối sau đó được tạo tác để có thể treo lên. Loại mâm này hiện không còn được dùng phổ biến. Những chiếc mõ trâu gợi nhớ về một thời chăn thả gia súc của cộng đồng người Thái. Người ta đeo mõ dưới cổ trâu, bò để có thể lần theo tiếng kêu mà tìm ra gia súc thả trong rừng…
“Sứ giả” níu giữ bản sắc văn hóa
 Tại phòng trưng bày đặc biệt của bà Bích có lưu giữ một bộ váy áo truyền thống của người Thái với tuổi đời hơn 120 năm. Bà Bích cho biết, bộ váy áo này trước đây là của cụ cố Viên, vợ của quan tri phủ tại địa phương để lại. Cụ cố Viên là con gái của một quan tri phủ ở Quế Phong. Sau đó, cụ Viên được gả về làm vợ cho quan tri phủ ở Qùy Châu. Dù là vợ của quan tri phủ nhưng cụ cố Viên vẫn tự tay dệt những bộ quần áo cho mình. Bộ váy áo được dệt từ lụa tơ tằm, có đủ những nét họa tiết, hoa văn đặc trưng trên váy áo người Thái. Đến nay, dù đã qua biến thiên thời gian, nhưng các họa tiết trên váy áo vẫn còn nguyên vẹn. Đến từng chiếc khuy áo cũng vẫn còn đầy đủ. Người đến xem luôn trầm trồ trước bộ váy áo độc đáo này.

Độc đáo “bảo tàng Pỉ Noọng” của nữ nghệ nhân người Thái - Anh 4

Những bộ váy, áo được bà Bích sưu tập để trưng bày. Trong đó bộ váy áo của cụ cố Viên vợ của quan tri phủ cũ đã lưu truyền được hơn 120 năm

Bà Bích hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, tại nhà trưng bày, nghệ nhân Sầm Thị Bích dành nơi trang trọng để đặt hai khung cửi để những người đến thăm có thể trải nghiệm quá trình dệt vải và giới thiệu những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống. Theo bà Bích, nghề dệt thổ cẩm dần bị mai một bởi sự tràn ngập của các loại vải công nghiệp giá rẻ. Rất mừng là khoảng 10 năm nay thổ cẩm của người Thái ở Quỳ Châu nói chung, của Hoa Tiến nói riêng dần được “đánh thức”, các ngành chức năng đầu tư hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật nhuộm tơ và cải tiến mẫu mã chất lượng hàng hóa... Hơn 30 năm trong nghề bà Bích cùng đội ngũ cửa mình đã tạo ra nhiều mặt hàng thổ cẩm nức lòng. Năm 2018 nhận giấy chứng nhận danh hiệu nghệ nhân; Năm 2019 HTX làng nghề Thổ cẩm Hoa Tiến có 3 sản phẩm gồm (khăn, chân váy, khăn trải bàn) đạt chuẩn 4 sao OCOP.

Độc đáo “bảo tàng Pỉ Noọng” của nữ nghệ nhân người Thái - Anh 5

Bà Sầm Thị Bích giới thiệu về bộ váy áo đã lưu truyền hơn 120 năm

Ông Sầm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An cho biết: Người Thái ở Hoa Tiến nay đã đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm phong phú, đa dạng. Ở các lễ hội Hang Bua, Thẩm Ồm... những sản phẩm này đã trở thành hàng lưu niệm có ý nghĩa, được khách du lịch ưa chuộng. Dòng chảy thời gian tiếp nối, những tác động của đời sống hiện đã có lúc làm mờ phai những giá trị văn hóa cổ truyền. Bởi vậy, mỗi ý nghĩ, lời nói, việc làm góp phần níu giữ vốn quý tộc người đều đáng ghi nhận. Vài năm trở lại đây, bản Hoa Tiến đã có tên trên bản đồ du lịch và là điểm đến cho những người yêu loại hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng khó có thể thành công nếu không có những người dân bản địa lưu giữ và bảo tồn bản sắc của dân tộc. Bảo tàng Pỉ Noọng, lưu giữ hàng trăm hiện vật quý của nghệ nhân như bà Sần Thị Bích thu hút yêu thích của du khách. Những nghệ nhân như bà chính là “sứ giả” quảng bá văn hóa. 

                                                                                     PHẠM NGÂN  

Ý kiến bạn đọc