Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

SEA Games 31 với ngổn ngang trăm mối (Bài cuối): Nhiều thách thức cho công tác tổ chức

Thứ Sáu 11/06/2021 | 13:42 GMT+7

VHO- "Áp lực cho công tác tổ chức là hầu hết các nước tham dự Đại hội đều nằm trong vùng dịch và đang bị dịch bệnh hoành hành với những diễn biến khó lường. Từ đó đặt ra vấn đề về việc kiểm soát dịch bệnh sẽ như thế nào khi các đoàn vào Việt Nam... "

 Dịch bệnh Covid-19 đã làm quá trình tập luyện chuẩn bị cho SEA Games của nhiều đội tuyển bị ảnh hưởng Ảnh: VFF

Tổ chức vào thời điểm dịch bệnh cũng sẽ phát sinh rất nhiều kinh phí cho việc cách ly, xét nghiệm, phòng, chống dịch, điều trị khi các trường hợp nhiễm bệnh (bố trí cơ sở cách ly, bệnh viện, điều chỉnh địa điểm tổ chức thi đấu…) trong khi đó những nguồn lực này chưa được dự toán trong đề án tổ chức SEA Games.

Khó khăn lớn

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, chưa một kỳ Đại hội nào mà các nước trong khu vực phải đối diện với khó khăn lớn như bây giờ. Theo ông Trần Đức Phấn, tại các kỳ SEA Games, ngoài lực lượng VĐV, HLV, quan chức, trọng tài, sẽ có thêm một lượng lớn là du khách, cổ động viên từ các nước, nhất là ở những môn hấp dẫn như bóng đá, bóng chuyền hay các môn Olympic. Ước tính số lượng người tham dự SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 sẽ vào khoảng 22.000 - 25.000 người. Số lượng người lớn như thế sẽ đặt áp lực lớn lên công tác tổ chức Đại hội. Do không có làng vận động viên, các thành phần tham dự sẽ lưu trú trên 40 khách sạn và di chuyển liên tục tới các địa điểm thi đấu, sẽ là áp lực lớn về công tác phòng, chống dịch tại các khách sạn, trên các phương tiện giao thông và các điểm đến.

“Áp lực nữa cho công tác tổ chức là hầu hết các nước tham dự Đại hội đều nằm trong vùng dịch và đang bị dịch bệnh hoành hành với những diễn biến khó lường. Từ đó đặt ra vấn đề về việc kiểm soát dịch bệnh sẽ như thế nào khi các đoàn vào Việt Nam. Tổ chức vào thời điểm dịch bệnh cũng sẽ phát sinh rất nhiều kinh phí cho việc cách ly, xét nghiệm, phòng, chống dịch, điều trị khi các trường hợp nhiễm bệnh (bố trí cơ sở cách ly, bệnh viện, điều chỉnh địa điểm tổ chức thi đấu…) trong khi đó những nguồn lực này chưa được dự toán trong đề án tổ chức SEA Games. Thêm một điểm nữa, dù chúng ta mong muốn tổ chức một kỳ SEA Games đẹp trong mắt bạn bè quốc tế và quảng bá về văn hoá, con người, du lịch Việt Nam thì việc tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, cũng sẽ không đạt được hiệu quả. Về chuyên môn, do dịch bệnh nên công tác chuẩn bị lực lượng của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng cũng bị ảnh hưởng”, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Trần Đức Phấn cho biết.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang lại đặt câu hỏi, liệu dịch bệnh có được kiểm soát tốt? Theo quy định, VĐV, HLV, quan chức, trọng tài các nước khi vào Việt Nam đã phải tiêm vắcxin phòng Covid-19. Với một số lượng lớn người như thế nhập cảnh vào Việt Nam, liệu đội ngũ y tế của chúng ta có đủ lực lượng, tiềm lực để thực hiện các công việc liên quan đến xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định? “Về mặt chuyên môn, trong suốt thời gian qua, các giải đấu, các chuyến tập huấn nước ngoài hầu như bị hoãn, các VĐV gần như không thi đấu. Một số ít đội tham dự các cuộc thi đấu tại Vòng loại Olympic khi về lại bị cách ly, Có những VĐV gần 50 ngày không được tập luyện thì phong độ làm sao mà đảm bảo được. VĐV Việt Nam đã khó khăn là vậy, VĐV các nước trong khu vực cũng bị ảnh hưởng tương tự. Như thế các cuộc tranh tài tại SEA Games sẽ không thể chất lượng được“, ông Giang phân tích.

Nguồn lực nào để tổ chức Đại hội?

Nêu vấn đề đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia khu vực Đông Nam Á, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh trăn trở, việc tổ chức SEA Games như thế liệu có đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Tức là, SEA Games ngoài ý nghĩa là các cuộc tranh tài cao - thấp trong thi đấu thể thao thì còn hướng đến mục tiêu chính là sự giao lưu giữa các nước, nhằm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước ASEAN. Ông Minh cũng nhấn mạnh không chỉ Việt Nam mà các nước đều đang căng mình chống dịch. Việt Nam cũng đang dồn hết tâm sức cho công cuộc “chống dịch như chống giặc”. Mới đây Chính phủ cũng đã kêu gọi toàn thể người dân đóng góp cho Quỹ vắcxin với mục tiêu sớm đạt được miễn dịch cộng đồng thì kinh phí dành cho việc đăng cai tổ chức SEA Games sẽ lấy ở đâu, từ nguồn nào trong khi mọi người lực đang dồn cho công cuộc chống dịch?

Thêm vào nữa, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục căng thẳng, bên cạnh bài toán nan giải là làm sao huy động được nhân lực, vật lực cho việc thực hiện xét nghiệm Covid-19 khi các nước đến Việt Nam, còn phải lo việc ăn ở cho các đoàn thế nào, cách ly y tế ra sao? Và như thế nhiều khả năng chúng ta sẽ phải tổ chức SEA Games trong bối cảnh không có khán giả. “Hàng ngàn VĐV phải thi đấu mà không có khán giả cổ vũ thì còn đâu ý nghĩa, tinh thần của các cuộc đấu thể thao. Chúng ta còn cần phải có tới vài ngàn tình nguyện viên phục vụ Đại hội. Trong bối cảnh dịch dã thế này, việc tuyển chọn, đào tạo đội ngũ tình nguyện viên liệu có kịp?”, chuyên gia đầu ngành Nguyễn Hồng Minh nêu câu hỏi.

TS Huỳnh Trí Thiện, ngành Quản lý Thể thao của Trường đại học Chulalongkorn (Thái Lan) phân tích, trước hết chúng ta sẽ phải đối mặt với bài toán chi phí y tế đảm bảo phòng dịch tại các địa điểm ăn, ở, thi đấu, phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, SEA Games 31 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh. Do đó, việc quyết định tổ chức SEA Games để nâng cao hình ảnh quốc gia đối với bạn bè quốc tế trong đại dịch hay tập trung nguồn lực để tái thiết kinh tế quốc gia là một bài toán vĩ mô mà Việt Nam sẽ phải trả lời. “Theo quan điểm cá nhân, nếu chúng ta có thể thuyết phục được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á và các nước để dời việc đăng cai SEA Games của Việt Nam sang thời điểm khác, lúc đó tình hình phòng, chống dịch của các nước đã được kiểm soát tốt, các nước có sự chuẩn bị lực lượng tốt nhất về chuyên môn, cũng như cho phép người hâm mộ có thể đi cùng cổ vũ thì đó sẽ là một điều tuyệt vời, đúng với tinh thần “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trong thời điểm hiện nay”, TS Huỳnh Trí Thiện nêu quan điểm. 

 Thống nhất trình 3 phương án

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã gửi văn bản tới Uỷ ban Olympic các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để trưng cầu ý kiến về các phương án tổ chức SEA Games, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Ngày 9.6, Văn phòng điều phối Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á và BCH Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đã có cuộc họp để bàn về các phương án tổ chức SEA Games.

Cuộc họp đã đi đến thống nhất có 3 phương án để Uỷ ban Olympic Việt Nam trình Chính phủ Việt Nam. Phương án thứ nhất là SEA Games vẫn được tổ chức vào cuối năm nay và sẽ xem xét học tập kinh nghiệm tổ chức của Olympic Tokyo. Phương án thứ 2 là SEA Games sẽ lùi sang năm sau vào thời điểm từ tháng 3-5, đây là thời điểm các nước Đông Nam Á không vướng các Đại hội quan trọng. Phương án cuối cùng, khả thi nhất là nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, Việt Nam không thể tổ chức SEA Games vào năm nay thì xin được ưu tiên tổ chức ở các kỳ tiếp theo, có thể là vào năm 2027.

THU SÂM

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top